Nhà đầu tư thứ cấp mua sỉ dự án Hoàng Anh River View cắt lỗ bằng cách bán tháo căn hộ với giá 18,1 triệu đồng mỗi m2
Mặt khác, ông Tuấn cho rằng mua sỉ thời điểm này là quyết định khá táo bạo vì thanh khoản của toàn thị trường chưa thật sự tốt. Trước đây nguồn cung không nhiều, khách hàng khó tiếp cận sản phẩm với giá gốc nên nhà đầu tư tranh nhau mua sỉ và bán rất chạy. “Nay thị trường thừa nguồn cung, lại thiếu vốn, tâm lý người mua nhà chờ giá giảm thêm nên việc mua sỉ bán lẻ không còn là miếng bánh béo bở”, ông Tuấn nhận xét.
Theo chuyên gia này, mua sỉ dự án bất động sản cũng là một hình thức M&A, tức là mua bán sáp nhập quy mô nhỏ. Để thương vụ mua sỉ dự án diễn ra thành công, các nhà đầu tư thứ cấp cần khảo sát kỹ thị phần kỹ lưỡng và phải có thế mạnh về hệ thống phân phối để tiêu thụ sản phẩm. “Về nguyên tắc, mua sỉ dự án vẫn phải trả tiền theo tiến độ. Do đó nếu chọn không đúng phân khúc thì nhà đầu tư chịu áp lực trả nợ rất lớn”, ông nói.
Giám đốc Bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty GIBC, Huỳnh Phước Nghĩa phân tích: “Do thị trường địa ốc chuyển biến khá phức tạp nên cần xem xét việc mua sỉ dự án dưới nhiều khía cạnh”.
Ông Nghĩa cho rằng, mua số lượng lớn sản phẩm trong dự án địa ốc có thể gọi là hình thức đầu tư khi hai công ty không liên quan nhau. Nếu sản phẩm tốt, đúng nhu cầu thị trường, dễ mua bán thì thu gom nhiều hàng là cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, với tình hình bất động sản khủng hoảng như hiện nay, mua sỉ không loại trừ việc đôi bên dàn xếp nợ, gán nợ lẫn nhau.
Bản chất mua sỉ dự án địa ốc, theo ông Nghĩa, là thu gom bất động sản để đảm bảo và tăng giá trị tài sản của công ty hoặc bán lại ăn chênh lệch. Tuy nhiên, việc thâu gom hàng kiểu này cũng là con dao hai lưỡi. “Nếu việc mua sỉ không được minh bạch và tràn lan, thị trường sẽ xuất hiện sản phẩm có nhiều mức giá khác nhau. Điều này sẽ khiến người mua cuối khó xác định được đâu là giá trị thật của dự án”, ông Nghĩa nhận xét.
Theo Vũ Lê